33. KV-KR: Linux: Tại sao lại tồn tại?
Linus Torwards |
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một cái gì đó được tạo ra hay không? Ví dụ như tôi đang tự hỏi tại sao lại có sự tồn tại của hệ điều hành máy tính Linux, trong khi đã có những hệ điều hành khác? Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của Linux sẽ giúp chúng ta hiểu được nhu cầu của con người đối với sự tồn tại của những vật dụng xung quanh.
Nếu các bạn chưa biết Linux thì vui lòng xem trên Wikipedia nhé [1]. Tác giả sẽ không nhắc lại những chi tiết về sự ra đời của các hệ điều hành máy tính nói chung và của riêng Linux.
Cũng như đa số người Việt, tác giả bài viết này cũng bắt đầu sử dụng máy tính với hệ điều hành của Microsoft, chỉ khác với phần lớn các bạn hiện nay là tác giả bắt đầu sử dụng MS-DOS ở trường phổ thông từ thập niên 90. Bắt đầu từ năm 2000 thì có cơ hội tiếp cận với Windows, và lúc này thì tác giả nghĩ rằng chỉ có hai hệ điều hành MS-DOS và Windows trên thế giới thôi. Đến năm 2006 thì phát hiện ra hệ điều hành Ubuntu, tác giả tìm hiều và sử dụng một cách rất thích thú với bản phân phối này của hệ điều hành Linux. Điều tuyệt vời nhất đối với Linux là hầu như tất cả đều miễn phí, nhất là khi mình sử dụng với mục đích cá nhân. Câu hỏi lúc đó đã xuất hiện là nếu Linux được phát hành miễn phí thì những người tạo ra nó sống như thế nào? Sau đó vài năm thì tác giả được biết đến những bản phân phối Linux có trả phí, nhưng không phải phí bản quyền phần mềm như Windows mà là phí hỗ trợ (Support) từ những công ty phát hành các bản phân phối đó (gọi là Distro), tất nhiên là rẻ hơn nhiều so với Microsoft, ví dụ như Red Hat, Solaris. Và sau đó một thời gian nữa thì tác giả đọc được quyển sách về phần mềm tự do nguồn mở có tựa đề là Giới thiệu về phần mềm tự do của tác giả Lê Trung Nghĩa [2]. Qua quyển sách này thì tác giả mới hiểu thêm về Linux và giấy phép GNU [3], cộng đồng phát triển các phần mềm tự do và nguồn mở, cũng như trả lời được câu hỏi ở trên của mình.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem Linux được tạo ra để làm gì? Và nếu không có Linus Torvards [4] thì liệu có ai khác sẽ tạo ra cái giống như Linux không? Qua đó chúng ta sẽ lý giải vai trò của những thứ miễn phí như Linux được tạo ra trong đời sống xã hội, cũng như tại sao việc thu phí bản quyền đối với những sản phẩm thương mại không bao giờ thực hiện được một cách hoàn toàn.
Theo tác giả bài viết thì Linux được tạo ra để phục vụ cho những người mong muốn có một hệ điều hành máy tính nhưng không có đủ tiền để mua bản quyền của hệ điều hành Windows hay một chiếc máy tính Macintosh. Trong cộng đồng các nhà phát triển phần mềm máy tính vào thời gian Linux ra đời là đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 có nhiều người đã bắt đầu nhận thấy sự khó khăn để tiếp cận một chiếc máy tính Windows hay Macintosh vì giá thành khá cao. Bên cạnh đó, có những nhóm các giáo sư, sinh viên ở các trường Đại học ở Mỹ và Châu Âu cũng gặp vấn đề tương tự. Cộng đồng học thuật cần có một hệ điều hành để có thể chạy được các chương trình chuyên biệt của họ, cũng như các nhà phát triển cũng cần một hệ điều hành với mục đích như thế. Nhu cầu của mỗi nhóm mỗi khác và vô cùng đa dạng, trong khi Windows và Macintosh chỉ có thể phục vụ những nhóm công việc nhất định, nhưng giá thành lại khá cao. Nhưng bản thân Windows và Macintosh lại là những hệ phần mềm có mã nguồn đóng nên các nhà phát triển không thể mang chúng lên các hệ thống máy tính khác mà bản thân nó không hỗ trợ, cũng như không thể can thiệp vào mã nguồn để viết thêm các trình điều khiển thiết bị một cách độc lập với Microsoft và Apple. Nhu cầu bắt nguồn từ đây, trong khi bản thiết kế của hệ điều hành máy tính đầu tiên là Unix (cha đẻ của các hệ điều hành khác) lại đang được công bố miễn phí, những nhà phát triển phần mềm và các nhóm học thuật có đủ điều kiện và nhu cầu để tạo ra một thứ như họ mong muốn nhưng có thể chia sẻ cho nhau miễn phí, đó chính là Linux của Linus Torwards, lúc đó đang là sinh viên Đại học Helsinki, Phần Lan.
Logo của Linux từ Wikipedia |
Nếu như không có sự xuất hiện của Linux thì hiện nay chúng ta sẽ chỉ có hai hệ điều hành thương mại, mã nguồn đóng là Windows và Macintosh, như vậy chỉ có một số ít người trên thế giới có thể tiếp cận với máy tính để thực hiện những công việc của mình, bởi vì công việc của họ tạo ra đủ tiền để tái đầu tư vào phí bản quyền phần mềm. Trong khi đó một số rất lớn những người còn lại khó tiếp cận được chiếc máy tính nếu không phải vi phạm bản quyền phần mềm. Nhưng những nhà phát triển phần mềm và các nhóm học thuật sẽ không muốn trở thành tội phạm khi sử dụng những phần mềm vi phạm bản quyền để tạo ra thành quả cho mình, vì thành quả của họ cũng sẽ được công bố. Mặt khác, như đã nói ở trên, nhu cầu của những nhóm người này vô cùng đa dạng và có thể là độc nhất vì họ đang là những người nghiên cứu và phát triển nên có những nhu cầu mới hoàn toàn. Microsoft hay Apple không thể đầu tư vào một sản phẩm mà chỉ có vài nhóm người dùng, nếu họ chấp nhận làm thì giá thành phải rất cao, nếu giá thành cao thì những nhóm nghiên cứu không thể kham nổi khi công việc của họ chưa biết có kiếm được tiền nhiều hay không. Khả thi hơn chính là những người này tạo ra một thứ như Linux, vừa có thể tự sử dụng, điều chỉnh và chia sẻ cho nhau. Họ làm được vì họ là những người ưu tú, họ là những nhà nghiên cứu, nhà phát triển, có thể làm việc nhóm và phi lợi nhuận. Như vậy, nếu như Linus Torwards không tạo ra Linux thì sẽ có một ai đó trong những người tôi đề cập ở trên tạo một thứ cũng có vai trò tương tự như thế.
Khái quát vấn đề trên rộng hơn một chút, chúng ta thấy rằng ở những nơi mà có thể sử dụng Windows không có bản quyền mà không bị phạt thì hầu như ít người để ý đến Linux, vì cái họ cần là một hệ điều hành máy tính đã được đáp ứng. Ví dụ như ở Việt Nam, phần lớn mọi người đều sử dụng Windows thay vì những hệ đều hành khác. Lý do đơn giản là vì chúng ta xài Windows không có bản quyền nhưng không ai bắt phạt chúng ta, trong khi Linux miễn phí nhưng không có nhiều người dùng. Vì dù sao Windows cũng thân thiện với người dùng hơn Linux ở góc độ người dùng thông thường. Giả sử như cơ quan công quyền ở nước ta quản lý được việc người dân dùng phần mềm lậu thì chắc chúng ta đã phải sử dụng Linux nhiều hơn và lâu hơn rồi. Riêng đối với Apple, thì họ đã gắn hệ điều hành Mac OS của họ với chiếc máy tính Macintosh nên người dùng thông thường không thể sử dụng hệ điều hành này cho những hệ phần cứng khác. Cũng chính vì vậy mà thị phần của máy tính Macintosh cũng rất thấp so với máy tính Windows.
Qua những phân tích trên, chúng ta thấy rằng nhu cầu của người dùng đối với chiếc máy tính vô cùng đa dạng, bản thân người dùng cũng đa dạng đủ mọi loại người, nên việc chỉ có hai hệ điều hành thương mại là Windows và Mac OS thì không thể thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người. Bện cạnh việc dùng Windows không có bản quyền thì những người không có cơ hội để mua bản quyền Windows hay mua một chiếc máy tính Macintosh có thể sử dụng hệ điều hành Linux. Mặt khác, các hệ điều thành thương mại dù có nhiều công ty thuộc bên thứ ba tham gia phát triển phần mềm chạy trên các nền tảng đó cũng không thể đáp ứng đủ yêu cầu của mọi người, đặc biệt là các nhà phát triển và các nhóm nghiên cứu. Chính vì vậy mà Linux xuất hiện như một lẽ tất yếu một cách tự nhiên.
Cái tính tự nhiên ở đây có thể được làm sáng tỏ hơn nếu chúng ta lấy thêm ví dụ về những lĩnh vực khác. Đầu tiên là tại sao iPhone dù rất tốt nhưng không bao giờ có thể chiếm tất cả thị phần điện thoại, ngay cả khi không có các điện thoại Android và những cái khác? Cũng phân tích như trên, chúng ta thấy iPhone dù tốt đến mấy thì nó chỉ đến được với một số ít người dùng cao cấp, một lượng lớn người dùng còn lại với đủ loại nhu cầu thì không thể đủ tiền để mua. Tất nhiên là sẽ có một số công ty nào đó tạo ra những chiếc điện thoại giá rẻ, chất lượng thấp hơn để lấp đầy phân khúc này, nếu không thì trên thế giới này chỉ có hai loại người, một loại giàu có sử dụng iPhone, loại còn lại nghèo hơn nên không có smartphone. Nếu Google không tạo ra Android thì cũng sẽ có những công ty khác tạo ra những hệ điều hành cho smartphone giá rẻ để chúng ta sử dụng.
Ví dụ kế tiếp là tại sao hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ lại được nhiều người mua. Có lẽ trên thế giới hiện nay ai cũng biết đến hàng hóa Trung Quốc với giá rất rẻ và chất lượng cũng tệ. Nhưng tại sao chúng ta lại mua những món hàng đó? Đơn giản là vì nó rẻ. Chúng ta có nhiều nhu cầu về hàng hóa nhưng lại không có đủ tiền để mua chúng. Nếu chúng ta tiết kiệm để đến một ngày nào đó có đủ tiền để mua thì chúng ta chỉ mua được rất ít món hàng, và có thể khi đó chúng ta không còn nhu cầu về món hàng đó nữa. Hàng hóa Trung Quốc giúp ta mua ngay món hàng với giá rất rẻ, thỏa mãn nhu cầu của chúng ta trong một thời gian trước khi món hàng đó hư hỏng do chất lượng kém. Trên thế giới này có rất nhiều người có thu nhập thấp, trong khi chỉ có một số ít người giàu có. Những sản phẩm của những nước phát triển chỉ phù hợp với người dân những nước đó và một số ít những người giàu có ở những nước nghèo. Các công ty Trung Quốc đã đi lên từ bên trong nước họ, khi họ có quá nhiều người nghèo ở trong nước. Khi những công ty này chiếm lĩnh thị trường trong nước thì họ bắt đầu xuất sang những nước khác, mà phần lớn cũng là những nước nghèo. Nếu không có Trung Quốc thì sẽ có những nước khác làm ra những sản phẩm giá rẻ cho người thu nhập thấp, vì các doanh nhân sẽ không thể bỏ qua một lượng lớn khách hàng như vậy trong thời đại toàn cầu hóa này.
Máy tính Windows và Macintosh là những khu vườn xinh đẹp, hàng hóa Nhật và iPhone cũng vậy. Một khu vườn thì chỉ là một phần trong khu rừng, bên ngoài khu vườn ấy sẽ còn có các hệ sinh thái khác. Đó chính là nơi để những để những người khác tạo ra khu vườn cho mình. Linux và smartphone giá rẻ, hàng hóa Trung Quốc là những khu vườn kém xinh đẹp hơn nhưng vẫn tồn tại do sự đa dạng của nhu cầu người dùng, đó chính là sự đa dạng của các hệ sinh thái trong khu rừng.
[1] Linux
[2] Giới thiệu phần mềm tự do[3] Giấy phép Công cộng GNU
[4] Linus Torvalds