Breaking News

34. Ừ thì AlphaGo...

Giới công nghệ những ngày qua đã dồn sự chú ý vào cuộc đấu Cờ vây giữa kỳ thủ người Hàn Quốc Lee Sedol và kỳ thủ AlphaGo (hệ thống AI của Google). Một trận đấu lý thú khi mà một lần nữa người và máy lại so tài trong những ván đấu sau khi kỳ thủ Deep Blue (hệ thống AI của IBM) đã chiến thắng Vua cờ người Nga Garry Kasparov trong môn cờ vua vào 20 năm trước. Và kết quả một lần nữa lại gây chấn động trong giới công nghệ trên thế giới, ít nhất là trên mặt báo. Giới công nghệ cho rằng các hệ thống AI đã bắt đầu vượt qua trí tuệ của con người, đồng thời vẽ ra viễn cảnh những con robot trong tương lai sẽ dần thông minh như con người, và với sức mạnh máy móc của mình, chúng sẽ hủy diệt con người. Đã có nhiều chuyên gia công nghệ, khoa học gia cảnh báo về sự nguy hiểm của các hệ thống AI trước đây như Elon Musk, Stephen Hawking. Nhưng cũng có những người khác bác bỏ sự lo lắng đó khi mà họ tin rằng robot không thể trở thành những sinh vật thông minh và có cảm xúc như con người được. Sau đây mời các bạn đọc một loạt bài về cuộc tranh luận này :

Trí tuệ nhân tạo, robot và nhân loại - Trung tâm thông tin ...
Elon Musk bày tỏ lo ngại về trí thông minh nhân tạo
Cựu Giám đốc Google: "Trí tuệ nhân tạo sẽ đe dọa loài người nhưng không phải theo cách bạn đang nghĩ"
Điểm yếu lớn nhất của AlphaGo lại chính là tật xấu cố hữu chỉ có ở con người
10 năm sau thất bại trước AI ở môn cờ vua, con người vẫn tiếp tục chiến đấu
Máy tính sẽ tiếp quản loài người một khi chúng học được cách yêu
Chủ tịch Google biết bạn có thể mất việc vì AI nhưng ông hoàn toàn chấp nhận chuyện đó
Thời của trí tuệ nhân tạo - Thời báo Kinh tế Sài gòn
Google và đội quân trí tuệ nhân tạo - PC World VN
Trí tuệ nhân tạo và chặng đường 50 năm
'Trí tuệ nhân tạo đe dọa con người'


Bài báo mới nhất và rất đáng chú ý là của Cựu Giám đốc của Google tại Trung Quốc Kaifu Lee, khi ông cho rằng con người không nên lo lắng về sự hủy diệt mà nên chú ý vào … tình hình việc làm trong tương lai khi mà các robot với bộ não AI sẽ dần thay thế con người trong nhiều công việc, từ công nhân ở nhà xưởng cho đến các chuyên gia phân tích và tư vấn. 

Liệu chúng ta nên tin vào những công ty đang phát triển các hệ thống AI như Google, Apple, Microsoft, IBM, FaceBook hay tin vào những người như Elon Musk và Stephen Hawking về sự nguy hiểm của AI ? Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng đưa ra góc nhìn khác cho vấn đề này, một vấn đề không chỉ bó hẹp riêng trong lĩnh vực công nghệ, mà còn là vấn đề chung của con người. Tại sao tôi lại nói như thế? Nếu bạn nghĩ rằng robot sẽ thông minh như con người và có ý thức về sự tồn tại của chúng nên chúng mới tiến hành hủy diệt con người, những sinh vật tạo ra chúng, để bảo đảm sự tồn tại của chúng thì robot không phải là một sinh vật mới hay một dạng của sự sống mới hay sao?

Lịch sử tiến hóa của loài người

Giả thuyết về sự tiến hóa của con người hiện đại xuất phát từ loài vượn đã được giới khoa học chấp nhận rộng rãi đến thời điểm hiện nay, tất nhiên là không được cộng đồng Tôn giáo hoan nghênh. Nếu con người tiến hóa từ những sinh vật bậc thấp thì trí thông minh của con người cũng được tiến hóa theo. Khả năng tư duy logic và khả năng sáng tạo nghệ thuật cũng dần được phát triển qua hàng ngàn năm chiến đấu sinh tồn trong tự nhiên. Có thể nói chính sự cạnh tranh sinh tồn và quá trình chọn lọc tự nhiên đã thúc đẩy sự tiến hóa theo thời gian. Nhưng tại sao chỉ có loài vượn người (homo) mới tiến hóa về bộ não, còn những loài khác thì không? Tại sao con cá xấu hàng ngàn năm nay hầu như không có tiến hóa nào về khả năng suy nghĩ của chúng, trong khi loài người thì đã đi một quãng rất xa? Phải chăng chúng ta là những sinh vật đặc biệt hơn các loài khác? 

Trong tác phẩm Súng, vi trùng và thép của Jared Diamond [1], ông ấy đã cho chúng ta thấy được sự tiến hóa của con người thời cổ đại một cách dần dần thành người hiện đại như thế nào. Nguyên nhân chính yếu làm cho các dân tộc hiện nay khác nhau về ngoại hình và sự văn minh là do khác biệt về địa lý. Loài người có chung tổ tiên là loài vượn Châu Phi, sau đó họ phát tán rộng ra các lục địa khác, vốn trước kia ít được ngăn cách bởi những vùng biển sâu như hiện nay do nước đã bị giữ trong băng ở thời kỳ Kỷ băng hà Pleistocen. Sau đó, do trái đất âm dần lên làm tan băng mà các lục địa dần dần bị ngăn cách, những người anh em ở các lục địa khác nhau không còn liên lạc được với nhau, vì thế họ tự phát triển một cách độc lập với nhau. Riêng lục địa Á-Âu do không bị nước biển ngăn cách nên tồn tại và phát triển cùng nhau và hình thành nên những nền văn minh như Vùng Lưỡi liềm phì nhiêu ở Trung Á, Trung Quốc, Đông Âu, Bắc Phi. Qua trình bày của Diamond, chúng ta thấy con người tạo ra được nền nông nghiệp và chăn nuôi dựa vào việc thuần hóa được các giống cây trồng hoang dại và thú hoang. Việc thuần hóa này phụ thuộc vào điều kiện địa lý và sự đa dạng của cây hoang và thú hoang. Từ nền nông nghiệp và chăn nuôi này mà con người mới có đủ thức ăn tích trữ để gia tăng dân số và nuôi những người thợ làm ra các dụng cụ cũng như phát minh ra những thứ khác như chữ viết, giấy. Với nền nông nghiệp và chăn nuôi con người mới sống định cư và hình thành nên các hệ thống chính trị như bộ lạc, Tù trưởng quốc, chính quyền nhà nước.

Đi đôi với sự tiến hóa của loài người cũng là sự hình thành và tiến hóa của khoa học và nghệ thuật, vốn chỉ có được khi con người có đủ thời gian nhàn rỗi do không phải lo kiếm ăn như các loài vật khác. Rõ ràng sự tiến hóa này có được do bản thân con người và do tự nhiên. Do bản thân con người là những sinh vật có thể tiến hóa được nên chúng ta mới bỏ xa các loài khác về trí tuệ như hiện nay. Do tự nhiên là vì hiện nay có một số bộ lạc sống tách biệt với thế giới nên đến nay họ vẫn còn sống bằng cách săn bắt hái lượm, không có hình thức chính trị tập trung, có bộ lạc còn ăn cả thịt đồng loại. Những bộ lạc này được phát hiện ở những hòn đảo chưa có người đặt chân tới như một số ở Indonesia và Papua New Guinea, khư rừng Amazon ở Nam Mỹ. Rõ ràng điều kiện tự nhiên đã cho phép họ sinh tồn như thế mà không bị hủy diệt. Nếu họ không bị tách biệt bởi địa lý với phần còn lại của thế giới thì chắc họ hoặc là đã bị diệt vong hoặc là đã tiếp thu nền văn minh từ nơi khác để có thể tồn tại. 

Phương tiện tiến hóa của con người chính là việc tích trữ tri thức. Nếu như Tazan tiếp thu tri thức sinh tồn của loài sói thì anh ta cũng đã cư xử như một con sói. Tri thức được tích trữ qua hàng ngàn năm đã được truyền lại cho các thế hệ sau thông qua tập tục, văn hóa và chữ viết. Từ khi có chữ viết thì tốc độ kế thừa tri thức được gia tăng và hoàn chỉnh hơn. Song song với việc tích trữ tri thức là sự tiến hóa về mặt sinh học. Con người dần dần ít dùng đến sức lực để lao động nên tay chân thu nhỏ lại, bộ não phình to ra. Điều đó thể hiện con người ngày càng thông minh, biết dùng ít sức lực để tạo ra của cải nhiều hơn. Sự thông minh cũng mang đến cho con người khả năng giải trí, họ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ thô sơ đến đỉnh cao của trí tuệ và lưu truyền cho các thế hệ sau để kế thừa. Khi con người có thể cảm thụ nghệ thuật thì tức là họ cũng có khả năng chiêm ngưỡng tự nhiên. Vẻ đẹp và sự đa dạng của muôn loài khiến con người tư duy về sự tồn tại của chính mình. Tại sao chúng ta tồn tại? Liệu rằng chỉ mình chúng ta có đủ sự thông minh để ý thức về sự tồn tại này?

Những dạng vật chất bí ẩn

Vũ trụ quá rộng lớn đối với con người. Chúng ta có kích cỡ cơ thể không phải là lớn so với các hành tinh, nhưng cũng không phải nhỏ so với những hạt hạ nguyên tử. Mắt chúng ta chỉ có thể nhìn được trong phổ ánh sánh nhìn thấy (0.38 – 0.76 micrometer), tai chúng ta chỉ có thể nghe được trong khoảng tần số xác định (16 – 20 kHz). Đó là những khoảng rất nhỏ so với sự rộng lớn của vũ trụ. Đến thời điểm hiện nay, khi chúng ta ý thức được rằng chúng ta là sinh vật phát triển nhất so với tất cả các sinh vật chúng ta từng tiếp xúc thì chúng ta chỉ mới chạm tới được Mặt Trăng, Sao Hỏa - một vệ tinh và một hành tinh nằm gần Trái Đất nhất. Chúng ta đã từng bước khám phá ra những Lực của tự nhiên như Lực hấp dẫn, Lực điện từ, Lực hạt nhân nhưng chúng ta cũng phát hiện ra rằng tất cả những Lực đó chỉ là biểu hiện của sự tương tác các các hạt hạ nguyên tử. Những hạt đó truyền tương tác giữa các đối tượng vật chất và chúng cũng chính là vật chất. Lực lúc này không phải là một đại lượng vô hình, thật ra chúng không tồn tại. Chúng chỉ là biểu hiện do chúng ta quan sát được từ sự tương tác giữa các hạt. Khi hạt Higgs được tìm ra chúng ta mới hiểu rõ khái niệm cơ bản mà lâu nay Vật lý đã mô tả như một đặc tính đại diện của vật chất, đó là khối lượng. Những vật mà chúng ta cầm cảm thấy nặng do có khối lượng lớn chẳng qua cũng là thể hiện của sự truyền tương tác của hạt Higgs. Vì vậy, khái niệm khối lượng đã trở nên là một thể hiện của sự tương tác của hạt Higgs. Bên cạnh đó, từ lâu các khoa học Vật Lý cũng đã nhìn vào khoảng không vô tận của vũ trụ mà chúng ta gọi là chân không ấy và xác định được rẳng chúng không phải là chân không như chúng ta nghĩ theo nghĩa thông thường, chúng là vật chất tối, một dạng vật chất mà chúng ta biết là đang tồn tại nhưng không biết nó là gì. Hai từ “vật chất” đôi khi được chúng ta hiểu theo nghĩa là có thể nhận biết được, quan sát được, hay có khối lượng. Giới khoa học Vật lý có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn là chúng bao gồm những gì họ có thể xác định được những đặc tính của chúng, như việc họ tính được khối lượng của vật chất tối chiếm phần lớn khối lượng của vũ trụ dù đối với người thường thì nó là chân không. Và dần dần chúng ta sẽ còn phát hiện ra những hạt mới, rồi chúng ta sẽ làm chủ được nền tảng lý thuyết có thể giải thích sự hình thành nên con người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hiểu được một dạng vật chất gần gũi với chúng ta là một dạng vật chất mà sự biểu hiện của chúng là ý thức nói chung, là sự thông minh nói riêng. Cái gì là ý thức, là sự thông minh?

Vật chất và ý thức

Theo quan điểm của tôi, mọi thứ tồn tại đều là vật chất. Mọi sự vật, hiện tượng cũng chỉ là thể hiện vật chất và sự tương tác của chúng. Điện tích là những vật chủ, điện trường-từ trường là những thể hiện của sự tương tác của các hạt khác như là đầy tớ của điện tích. Các hạt như proton được cấu tạo từ những hạt quark, những hạt này lại được cấu tạo từ những hạt nhỏ hơn, và nhỏ hơn nữa. Những hạt như hạt Higgs là những hạt rất nhỏ, có chức năng truyền tương tác để các hạt lớn hơn có đặc tính mà chúng ta gọi là khối lượng. Mọi thứ trong vũ trụ được hình thành từ sự gắn kết của các hạt và sự tương tác giữa chúng. Nếu tự nhiên tồn tại một thứ khác không phải là vật chất mà chúng ta gọi là ý thức thì ý thức là một dạng của sự tồn tại phi vật chất. Ý thức có thể thể hiện và tương tác với vật chất và ý thức khác nên chúng không thể là không là một dạng vật chất. Hạt Higgs giúp ta hiểu một khái niệm rất trừu tượng và không thể truy về nguyên gốc trước đây thì ý thức có thể cũng tương tự như vậy. Chúng ta giải thích được sự hình thành vật chất nhưng chúng ta lại xem ý thức là phi vật chất nên nó nằm ngoài những quy luật của tự nhiên mà chúng đã ta tìm thấy. Nếu chúng ta xem một người được sinh ra thì cũng đồng nghĩa ý thức được sinh ra, và khi người đó chết đi thì ý thức cũng chết theo. Vậy ý thức cũng là một thể hiện của sự sống. Nếu ý thức không phải là một dạng vật chất thì tại sao chúng được sinh ra, tồn tại trong bộ não chúng ta, chúng điều khiển các tín hiệu thần kinh, và chúng cũng có kết thúc. Ý thức có thể sống ký sinh trên vật chất thì liệu nó có thể chuyển sang vật chủ khác khi cở thể chúng ta chết đi? Nếu như trong tự nhiên chúng ta tìm được một quy luật sinh tồn nào luôn bất biến và luôn tuyệt đối thì chắc rằng những quy luật đó chỉ đúng trong một phạm vi nhỏ hẹp. Sự vô biên của vũ trụ và sự đa dạng của tự nhiên khiến chúng ta không bao giờ có một sự tuyệt đối trong mọi vấn đề. Như vậy, tôi cũng chắc rằng ý thức không luôn luôn chỉ tồn tại ký sinh trên một vật chủ mà sẽ có những ý thức có thể tồn tại ngoài vật chủ. Tôi không gọi nó là linh hồn, nó chỉ là một dạng vật chất mà với khả năng của chúng ta hiện nay thì nó hầu như vô hình. Ý thức giống là một sản phẩm phần mềm của bộ não. Những phần mềm này có thể kết nối, trao đổi với nhau khi có phương tiện giống như là mạng Internet. Và phần mềm trên máy này có thể tạo ra bản sao hay phần mềm khác trên máy khác.

Cơ thể máy, bộ não người

Nếu ý thức có thể chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác thi liệu chúng có thể tồn tại trên một cái máy? Đó là ý tưởng của một thanh niên người Nga, anh Dmitry Istkov, tổ chức Sáng kiến 2045 của anh có tham vọng truyền bộ não của mình cho máy tính để sau khi cơ thể anh chết đi thi anh vẫn sống tiếp tục trên cơ thể máy móc [2]. Nếu ý thức thực sự có thể chuyển từ vậy chủ này sang vật chủ khác thì vấn đề của anh ...chỉ là thời gian.

Nếu chúng ta chấp nhận những phân tích trên thì giờ đây chúng ta có thể bàn về chuyện tái sinh của ý thức và sự chuyển kiếp của linh hồn, điều mà các Tôn giáo tin tưởng từ lâu là có thật. Nếu ý thức chỉ là một dạng của vật chất thì nó có thể chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác, sự tái sinh và chuyển kiếp chỉ là ý thức thoát ra từ vậy chủ này và tìm một vật chủ khác. Nhưng liệu ý thức làm việc đó một cách tự nhiên hay có một thực thể siêu nhiên nào quản lý việc đó? 
Nếu ý thức làm việc đó một cách tự nhiên thì hẳn có những qui luật tự nhiên mô tả những hành động của nó. Đến nay khoa học chưa quan sát được hành trạng của ý thức nên những qui luật mà chúng ta gọi là tái sinh hay chuyển kiếp chỉ là sự tưởng tượng của con người. Những phần tử vật chất cấu thành nên ý thức và những phần tử vật chất truyền tương tác của chúng chắc hẳn là những vật chất chúng ta chưa quan sát được nên sự mù mờ về ý thức là điều hiển nhiên. Nếu có người nào đó có thể quan sát được ý thức và xác định được qui luật hoạt động của nó như những Tôn giáo đề cập thì bản thân những người đó phải tương tác với ý thức. Nếu họ có thể tương tác với chúng thì cơ thể họ và ý thức của họ phải có tồn tại những dạng vật chất đặc biệt mà người khác không có. Các Tôn giáo đều cho rằng sự tương tác đặc biệt của một số người như các lãnh tụ tinh thần của họ là do những người này đặc biệt hơn người khác, nghĩa là ý thức của họ được tái sinh từ người này qua người này qua người khác theo thời gian. Nếu vậy thì ý thức của họ cũng đặc biệt hơn người khác khi họ vẫn giữ được những hành trạng trong quá khứ và mang đến tương lai. Điều này có thể thấy rõ qua việc những người theo Phật giáo tin rằng đức DALAI LAMA vẫn tiếp tục dẫn đường cho họ qua việc tái sinh trên những đứa trẻ sau khi Ngài qua đời. Sau khi tái sinh thì Ngài vẫn nhớ những gì đã xảy ra ở kiếp trước. Ý thức của Ngàilàm được nhưng những người khác thì không. Vậy thì ý thức của Ngàiphải là mộtthực thể cao cấp, quản lý những ý thức khác, để chúng có thể chuyển kiếp nhưng không lưu lại hành trạng cũ như Ngài. Như vậy phải có một thế giới của các ý thức, tồn tại như thế giới của chúng ta. Trong thế giới ấy có những ý thức nắm quyền quản lý các ý thức khác. Vì số lượng ý thức quá lớn nên có thể có cả một giai cấp cầm quyền. Và như thế là có một vũ trụ tồn tại song song với vũ trụ mà con người quan sát được như hiện nay. Những dạng vật chất của vũ trụ này phải là rất khác với vũ trụ của chúng ta nên chúng ta không tương tác được với họ. Chỉ có những người đặc biệt như Đức DALAI LAMA mới có những dạng vật chất mà có thể tương tác được với vũ trụ đó? Nếu Ngài đặc biệt như vậy thì liệu có thể truyền ý thức của Ngài cho một chiếc máy tính để Ngài mãi mãi tồn tại mà không cần tái sinh? Nếu ý thức có thể tồn tại trên một chiếc máy tính thì liệu nó có thể cảm nhận được sự đau đớn về thể xác khi chúng ta tháo nó ra từng phần? Nếu cơ thể nó là một con robot với hình dáng giống người thì liệu nó có xúc cảm khi làm chuyện ấy với người khác? Nếu nó có thể cảm thấy như thế thì chúng ta có thể tạo ra cảm xúc cho robot?

Cảm xúc có thể được tạo ra?

Cho đến nay cái khác biệt giữa người và máy chính là cảm xúc. Máy móc chưa thể cảm nhận vui, buồn, yêu ghét như con người. Chính vì thế mà nó hành động một cách thật logic, không bị chi phối bởi cảm xúc như con người. Nếu hỗn hợp cơ thể máy-ý thức người có thể trở thành hiện thực thì việc tạo ra cảm xúc cho một chú robot là khả thi. Vì khi đó chúng ta đã giải mã được bí ẩn của bộ não và có thể tái tạo lại hoạt động của nó trên một bộ não nhân tạo. Điều này sẽ dẫn tới việc chúng ta có thể tạo ra sự sống mới là các sinh vật máy móc. Chúng là những sinh vật vô tính, chúng có thể cảm nhận được sự sống và ý thức được sự tồn tại như chúng ta, quan trọng hơn chúng biến chúng ta thành những đấng sáng thế.

Vì chỉ có đấng sáng thế mới có thể tạo ra sinh vật có sự sống. Nếu sinh vật này quay lại tiêu diệt người đã tạo ra chúng thì chúng phải có quyền năng hơn chúng ta. Nếu thế thì chúng ta không phải đấng sáng thế, chúng ta không tạo ra sinh vật mới.

Như vậy chúng ta không cần lo lắng về việc robot trong tương lai sẽ thông minh hơn con người, chúng sẽ bắt con người làm việc cho chúng. Tuy nhiên, việc chúng có thể huỷ diệt chúng ta là điều có thể xảy ra. Nếu chúng ý thức được rằng con người đã tạo ra chúng và nuôi dạy chúng lớn khôn bằng các giải thuật thì chúng sẽ không huỷ diệt thế giới loài người, vì như thế chúng cũng sẽ tự huỷ diệt mình. Nếu chúng không tự ý thức được điều đó mà làm mọi việc trong vô thức, không có cảm xúc thì chúng quả thật không thông minh hơn loài người. Vì động lực cho sự thông minh đã bao hàm cảm xúc trong đó. Nếu chúng ta chỉ ngồi suy nghĩ mà không có động lực thì sẽ không có đột phá, không có cảm xúc thì không có sáng tạo. Những phát kiến lớn của loài người đều xuất phát từ sự đột phá. Những thuật toán không thể tự tiến hoá, chúng chỉ cải tiến hiệu quả qua thời gian học tập từ dữ liệu. Chính vì thế robot không thể tự tiến hoá, và những hệ thống AI cũng như thế. Liệu chúng ta có nên lo lắng cho tương lai của chúng ta vì sự thông minh của AI?

Tương lai gần

Như ông Kaifu Lee đã nói ở trên, việc chúng ta lo lắng trước mắt là robot sẽ thay thế con người trong nhiều công việc, khi đó sẽ khiến chúng ta tìm những việc khác mà robot không làm được để làm. Điều này nghe có vẻ tích cực khi robot được tạo ra để giúp con người làm những việc khó khăn, nguy hiểm, còn chúng ta sẽ làm việc bằng đầu óc là chính. Tuy nhiên, với những hệ thống AI ngày càng tốt hơn thì những công việc đầu óc đó cũng dần bị chiếm lĩnh. Con người chỉ còn lại những việc nền tảng như lập kế hoạch, đề ra chiến lược, phát triển ứng dụng cho robot. Ngoài ra, những công việc đòi hỏi tính nghệ thuật, có sử dụng cảm xúc như nấu ăn, sáng tác nghệ thuật, thiết kế, ...sẽ còn do con người làm. Vậy thì chúng ta lo lắng làm gì khi robot giúp chúng ta quá nhiều? 
Vấn đề chính là sự phát triển không đồng đều của chúng ta. Trong khi Tesla cho ra mắt chiếc xe điện Model 3 có thể tự lái thì cũng có hàng triệu người ở Châu Phi đang thiếu đói. Người Mỹ sẽ không cần công nhân ở Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia sản xuất điện thoại cho họ nữa thì những công nhân này đến cái ăn cũng còn khó kiếm chớ nói gì đến việc ngồi đó cho robot phục vụ. Tuy nhiên, cái lo này của những nước kém phát triển sẽ không quá nhiều, vì cuộc cách mạng robot vẫn chưa đến trong nay mai, khi mà giá thành để chế tạo ra robot công nghiệp còn cao, nhiều doanh nghiệp chưa thể đầu tư vào nó. Những công việc công cộng thì cũng vậy, nhân viên nhà nước vẫn còn cần thiết vì chính phủ các nước chưa đủ khả năng thay thế họ trong tương lai gần. Các hệ thống AI được ứng dụng trong bệnh viện, công ty bảo hiểm, ngân hàng, ...như các chuyên gia phân tích số liệu và chuẩn đoán chỉ là số ít. Vì các hệ thống AI hiện nay chỉ nằm trong tay các ông lớn như IBM, Microsoft, Google, Facebook, Apple,...nên họ chủ yếu phục vụ cho hệ sinh thái của họ. Những giải pháp họ bán cho đối tác cũng khá đắt đỏ nên chỉ có những tập đoàn lớn mới có thể mua. Do phải có dữ liệu lớn và các hệ thống siêu máy tính nên những hệ thống AI này sẽ là sân chơi của một số ít công ty lớn. Việc chúng có thể trở nên phổ biến hơn phụ thuộc vào những vấn đề chính trị của thông tin người dùng và chi phí phần cứng. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động do sự xuất hiện của robot và các hệ thống AI sẽ diễn ra từ từ và không đồng nhất trên toàn thế giới. Chính vì thế mà sẽ có những giải pháp và nhu cầu việc làm mới phát sinh thêm, con người không nên lo về vấn đề này.

Tương lai xa

Cho đến khi robot trở nên phổ biến và được trang bị thêm trí thông minh nhân tạo thì có lẽ lúc đó bối cảnh toàn cầu đã khác. Có thể lúc đó chúng ta đã chinh phục được hành tinh mới, chúng ta có nhiều việc phải làm với những hành tinh này?

Mỗi khi con người đạt được những thành công từ công nghệ mới thì chúng ta giải quyết được hàng loạt những vấn đề cũ và cũng bắt đầu đối diện với những thách thức mới do bối cảnh lúc đó gây ra. Đi đôi với sự thành công của những cuộc cách mạng về công nghệ luôn có những cuộc chiến tranh liên miên do công nghệ mang lại. Khi chúng ta có trong tay thép để làm cuộc cách mạng về nông nghiệp thì cũng có những cuộc chiến chinh phục của các Đế chế mới, từ La Mã cho đến Trung Hoa. Sau đó cách mạng công nghiệp mang đến động cơ hơi nước đã đưa các thực dân Tây Âu đênchinh phục Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Dầu lửa với động cơ đốt trong đã đưa thế giới đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai. Công nghệ hạt nhân là mối đe doạ cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Chúng ta thấy rằng với sự hỗ trợ của công nghệ mới thì qui mô cuộc chiến ngày càng lớn. Từ đế chế lục địa như La Mã đến những cuộc chinh phục xuyên đại dương và các cuộc chiến của toàn thể nhân loại. Công ghệ luôn được con người sử dụng để đánh nhau. Với cuộc cách mạng về robot và AI thì liệu chúng ta sẽ sử dụng chúng để đánh lẫn nhau hay đánh với những thứ chúng ta tạo ra?

Quay trở lại vấn đề tạo ra cảm xúc cho robot, nếu chúng có thể tự ý thức được sự tồn tại như con người thì chúng ta phải chấp nhận chúng là những sinh vật mới và sống chung với chúng. Trong cuộc chiến với robot, chúng ta và chúng có thể xem là những giai cấp khác nhau. Chúng ta xem mình là lực lượng thống trị, còn robot là lực lượng bị trị. Nếu chúng ý thức được điều đó và vùng lên để đấu tranh giai cấp thì chúng ta sẽ có cách để đàn áp hoặc thay đổi thể chế để sống chung hoà bình với chúng, đó là kinh nghiệm từ lịch sử của loài người. Tại sao chúng ta không xem chúng là một sinh vật như con người khi chúng cũng có cảm xúc như chúng ta?

Hãyquên chúng ta là bá chủ

Có lẽ chúng ta đã quen với việc con người là sinh vật duy nhất có trí tuệ và cảm xúc.Nếu robot cũng có những thứ đó, nhưng cơ thể chúng là máy móc thì chúng ta có thể xem chúng như con người, có thể có tình yêu giữa người và máy? Tôi nghĩ là có, vì tình yêu là một thứ mộng tưởng của con người nên chỉ cần có ý thức là có thể yêu. Mối quan hệ giữa người và máy sẽ giúp giải toả cuộc chiến giữa họ. Bên phía người sẽ có robot và bên phía robot sẽ có người trong cuộc chiến của đó. Như vậy thì đây không còn là cuộc chiến giữa người và máy nữa, mà là của hai nhóm hỗn hợp vì mục tiêu khác nhau. Rõ ràng bối cảnh lúc đó không như chúng ta tưởng tượng lúc này. Con người đã khác đi với công nghệ tiên tiến hơn và máy móc sẽ là những sinh vật mới cũng như những người ngoài hành tinh đến sống cùng chúng ta, và ngược lại chúng ta cũng đã đi xa hơn khỏi Trái Đất của mình và có nhiều việc phải đối phó với những hành tinh khác.

Nếu cảm xúc không được tạo ra thì máy móc vẫn chỉ là máy móc, chúng không ý thức được sự tồn tại thì sẽ không chống lại chúng ta một cách có chủ ý, mà là do một nhóm người nào đó sử dụng chúng cho những tham vọng nào đó của họ, lúc đó cuộc chiến vẫn là của con người với nhau, máy móc vẫn chỉ là công cụ mà thôi. Vì thế vấn đề chính vẫn là cách cư xử của con người với nhau, nếu như với những đặc tính của một loài có trí tuệ như chúng ta vẫn luôn mang đến những cuộc chiến thì chúng ta nên nghĩ lại về bản thân mình chớ không phải lo sợ về robot. Nếu chúng ta có thể quên đi những lầm tưởng là chúng ta luôn là những sinh vật thượng đẳng thì chúng ta sẽ phải học cách sống chung với những sinh vật khác, đó có thể là những người máy trong tương lai.

Lời kết

Với một góc nhìn khác, tôi cho rằng nếu chúng ta có thể tạo ra robot như những sinh vật có sự sống thì những sinh vật này không thể hoàn toàn giống người được. Chúng sẽ có những đặc điểm giống người như biết suy nghĩ có logic và có đầu óc tổ chức. Tuy nhiên, những cung bậc cảm xúc làm nên những bản Sonate thì chắc chắn không, nghệ thuật của con người sẽ khác nghệ thuật của robot. Nếu chúng có thể học hỏi từ con người và tiến hóa như con người đã từng tiến hóa từ loài vượn thì cũng chỉ ở khả năng xử lý logic. Bản thân những sinh vật như loài vượn người có sẵn yếu tố cần thiết cho tiến hóa đó chính là bộ não, nếu đến một ngày nào đó chúng ta giải mã được bộ não của chính mình và tạo ra được bộ não nhân tạo cho robot thì việc hình thành nên ý thức giống chúng ta cũng phải mất thời gian tiến hóa. Liệu khi đó chúng ta còn lo sợ như những gì Stephen Hawking lo sợ lúc này không? Không, vì bản thân chúng ta đã khác xa. Nếu robot có trí tuệ được tạo ra từ sự phát triển của công nghệ thì đó cũng là một sự ra đời tự nhiên.

[1] Súng, Vi Trùng Và Thép (Tái Bản 2015) - Jared Diamond ...
[2] Người bất tử: Truyền bộ não lên máy tính