4 kiểu dùng đồ hiệu dễ bị “tẩy chay”
Hàng hiệu rơi vào tay người không nắm rõ các công thức mix match dễ trở thành đồ bỏ đi.
Không phải lúc nào hàng hiệu cũng là sự đầu tư xứng đáng
Muốn thăng hạng phong cách thời trang, hàng hiệu là từ khóa không thể thiếu. Tuy nhiên, hàng hiệu không phải lúc nào cũng là một sự đầu tư xứng đáng, cũng như không phải ai cũng biết xài hàng hiệu một cách thông minh.
Dưới đây là một số kiểu dùng hàng hiệu thời trang chẳng những không giúp ích gì cho style của bạn, mà còn phung phí tiền bạc, tốn kém nhưng không hề hiệu quả, xứng đáng bị tẩy chay:
1. Hàng hiệu chỉ dùng một lần
Hàng hiệu luôn đi kèm với sự đắt đỏ. Biết vậy, song nhiều người vẫn giữ thói quen mua những món đến từ các nhà mốt cao cấp rồi chỉ xài đúng 1-2 lần. Điều này thường xảy đến với những item chạy theo xu hướng, ít tính ứng dụng và được mua khi chủ nhân chưa có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Để tránh tình trạng mua đắt dùng ít, các tín đồ nên đầu tư vào các món basic, cổ điển, đảm bảo có thể dùng đi dùng lại, mix với nhiều phong cách mà không gây nhàm chán.
2. Không biết cách bảo quản
Nếu bạn đổ tiền vào chiếc túi hiệu Chanel giá gần trăm triệu để rồi nhét vào cốp xe hay treo trên mắc áo một cách vô tội vạ, hay là bộ đầm Elie Saab lóng lánh nhưng lại bỏ vào máy giặt không thương tiếc, thì cách tiêu tiền của bạn thực sự có vấn đề! Đồ hiệu, ngoài việc cao cấp và đắt đỏ, còn xứng đáng có một chế độ chăm sóc, bảo quản đặc biệt để giữ được vẻ bóng bẩy như ban đầu. Nếu mới chỉ dừng lại ở thích mua, xài nhưng lại thiếu kiến thức về việc gìn giữ, hãy xem xét lại.
3. Mù mờ trong cách mix match
Hàng hiệu dù đẹp, xịn đến đâu nhưng rơi vào tay người không nắm rõ các công thức mix match, đều có khả năng trở thành đồ bỏ đi. Vì vậy, trước khi đầu tư một món quần áo, phụ kiện đến từ nhà mốt danh tiếng, thử nhìn lại xem mình đã thực sự là người biết ăn mặc hay chưa. Còn nếu chỉ mua hàng hiệu để thỏa mãn thói quen tiêu xài hoang phí hay chạy theo xu hướng, chẳng mấy chốc bạn sẽ sớm “nhẵn túi”.
4. Xài hàng không rõ xuất xứ
Thay vì mua tại store chính thống của các thương hiệu, không ít quý cô tìm đến những nguồn hàng giá hời hơn như hàng xách tay, hàng đã qua sử dụng nhưng được quảng cáo còn mới tới 99%… Không thể phủ nhận rằng những món đồ hiệu dạng này thường rẻ hơn đôi chút, thậm chí là khá nhiều so với tại store lớn, nhưng đi kèm với nó cũng là những rủi ro không thể lường trước. Bạn có thể vô tình mua phải hàng fake, hàng bị lỗi, hoặc may mắn hơn là hàng chính hãng nhưng không được nhận sự bảo hành từ hãng khi có sự cố… Lúc đó, người thiệt là chính bạn, tiền đã mất mà vẫn không được xài hàng hiệu theo đúng nghĩa.